Lịch sử Tào_(nước)

Do nước Tào quá nhỏ bé, yếu ớt nên ghi chép về nước này quá ít ỏi. Thời kỳ Tây Chu, sự kiện duy nhất của nước Tào được ghi chép trong Sử ký Tư Mã Thiên là vào năm 826 TCN, Tào U bá bị em là Tào Đái bá sát hại. Thời Đông Chu, nước Tào lại phát sinh nội loạn. Năm 761 TCN, Cơ Vũ sát hại anh là Tào bá Cơ Thạch Phủ để tự lập làm vua. Cơ Vũ làm quân chủ được 3 năm, khi chết có thụy hiệu là Tào Mục công, và từ đó trở đi mọi vị quân chủ nước Tào đều có thụy hiệu tự xưng là tước Công.

Thời kỳ Xuân Thu, nước Tào trở thành đối tượng tranh giành của hai nước Tấn, Sở. Năm 637 TCN, công tử nước Tấn là Trùng Nhĩ (sau này là Tấn Văn công) chạy nạn qua nước Tào, nhưng Tào Cộng công đối đãi rất vô lễ. Năm 631 TCN, sau khi trận Thành Bộc giữa quân đội Tấn và Sở kết thúc, nước Tấn đem quân trừng phạt nước Tào. Nước Vệ đem quân cứu nước Tống, nhưng bỏ mặc cho Tào Cộng công bị bắt. Cộng công sau đó được thả về và mất năm 618 TCN. Sau thất bại của Sở, nước Tào quy thuộc và nghe lệnh nước Tấn.

Sau này, quan hệ Tào-Tống trở nên tồi tệ. Năm 515 TCN, sau khi Tào Điệu công bị Tống Cảnh công giam giữ cho đến chết, nước Tào phát sinh nội loạn, các vị quân chủ kế nhiệm như Tào Thanh côngTào Ẩn công lần lượt đều bị sát hại. Đến khi Tào Phế công Cơ Bá Dương lên ngôi, ban đầu ông này không nghe lệnh nước Tấn do Tấn cũng đã suy yếu vì sự tranh giành quyền lực của lục khanh, sau đó lại đem quân xâm nhập nước Tống. Kết quả Tống Cảnh công đem quân chinh phạt Tào. Nước Tấn không phái binh ứng cứu. Năm 487 TCN, Tống Cảnh công bắt được Tào công Cơ Bá Dương đem giết, nước Tào diệt vong.

Hậu duệ nước Tào sau này lấy quốc hiệu làm họ, tức là họ Tào.